Xuất khẩu hàng hóa sang Thái Lan, Singapore, Philippines và Campuchia
Tình hình xuất khẩu hàng hóa sang Thái Lan trong 10 tháng đầu năm 2020
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Thái Lan trong 10 tháng đầu năm 2020 đạt 4,05 tỷ USD, giảm 10,12% so với cùng kỳ năm 2019. Tính riêng tháng 10/2020 kim ngạch xuất khẩu đạt 431,66 triệu USD, giảm 2,33% so với tháng trước đó.
Trong số rất nhiều nhóm hàng xuất khẩu sang thị trường Thái Lan, đứng đầu về kim ngạch là nhóm hàng điện thoại và linh kiện với 628,78 triệu USD, chiếm 15,50% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các loại sang thị trường này, giảm 43,21% so với cùng kỳ năm trước. Đứng thứ 2 về kim ngạch là nhóm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 376,56 triệu USD, tăng 1,43%, chiếm 9,28%. Tiếp đến nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 343,94 triệu USD, tăng 1,99%, chiếm 8,48%.
Trong 10 tháng đầu năm 2020, một số mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Thái Lan tăng trưởng mạnh: xuất khẩu sắt thép các loại tăng 78,56%; xuất khẩu rau quả tăng tới 174,99%; xuất khẩu đá quý và kim loại quý tăng 32,59%; phân bón tăng 28,88%.
Một số mặt hàng xuất khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước: xuất khẩu sản phẩm từ sắt thép giảm 34,93%; xăng dầu các loại giảm 79,59%; hạt tiêu giảm 28,32%.
Xuất khẩu sang Singapore đạt 2,44 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2020
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Singapore trong tháng 10/2020 đạt 274,41 triệu USD, giảm 26,40% so với tháng 9/2020. Tính chung 10 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Singapore đạt 2,44 tỷ USD, giảm 11,01% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 10 tháng đầu năm 2020, nhóm mặt hàng máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện đứng đầu trị giá xuất khẩu, thu về 441,44 triệu USD, chiếm 18,07% tỷ trọng trong tổng xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này, giảm 2,55% so với cùng kỳ năm trước. Đứng thứ hai là nhóm hàng thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh trị giá 356,95 triệu USD, tăng 26,18% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 14,61% tỷ trọng. Đứng thứ ba là nhóm mặt hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 336,32 triệu USD, tăng 5,17%, chiếm 13,77% tỷ trọng xuất khẩu.
Một số mặt hàng có trị giá xuất khẩu tăng mạnh trong 10 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước: Kim loại thường khác và sản phẩm tăng mạnh tăng 54,56%; sản phẩm từ cao su tăng tới 116,55%; sản phẩm hóa chất tăng 47,72%; sắt thép các loại tăng 80,54%.
Một số nhóm mặt hàng có trị giá xuất khẩu giảm: xăng dầu các loại giảm 36,53; dầu thô giảm 66,89%; dây điện và dây cáp điện giảm 49,76%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 47,08% so với cùng kỳ năm 2019.
Singapore là đất nước có nền kinh tế phát triển thuộc nhóm năng động bậc nhất tại khu vực châu Á -Thái Bình Dương, có vai trò quan trọng trong hợp tác thương mại với Việt Nam. Nhu cầu tìm kiếm, mở rộng thị trường cung ứng nguyên liệu thay thế thị trường Trung Quốc của Singapore là rất lớn. Việt Nam chính là một trong những thị trường trọng tâm giúp Singapore bù đắp sự thiếu hụt hàng hóa, nhất là các sản phẩm về nông sản, thủy sản, thực phẩm và xây dựng.
Tình hình xuất khẩu hàng hóa sang Philippines 10 tháng đầu năm 2020
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Philippines trong 10 tháng đầu năm đạt 2,97 tỷ, giảm 7,83% so với cùng kỳ năm 2019. Tính riêng tháng 10/2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 267,13 triệu USD.
Philippines hiện là đối tác thương mại đứng thứ 5 của Việt Nam trong ASEAN và là một trong những thị trường tiềm năng của Việt Nam trong những năm gần đây.
Đứng đầu là mặt hàng gạo, đây là mặt hàng Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang Philippines trong 10 tháng đầu năm với kim ngạch đạt trên 868,66 triệu USD, tăng 8,45% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 29,20% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa các loại sang thị trường này. Tính riêng tháng 10/2020 kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 25,18 triệu USD.
Xuất khẩu nhóm mặt hàng Clanhke và xi măng đứng ở vị trí thứ 2 về kim ngạch, đạt 254,05 triệu USD, chiếm 8,54% tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa sang Philippines, tăng 12,28% so với cùng kỳ năm 2019, tính riêng tháng 10/2020 đạt 21,27 triệu USD. Đứng thứ 3 về kim ngạch xuất khẩu là nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác với 251,52 triệu USD, giảm 7,06% so với cùng kỳ năm 2019.
Đáng chú ý mặt hàng than có kim ngạch xuất khẩu tăng tới hơn 5 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 2,68 triệu USD trong 10 tháng đầu năm 2020.
Philippines và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, địa lí. Hai nước đều là thành viên tích cực và luôn hỗ trợ lẫn nhau trong khuôn khổ hợp tác đa phương APEC và ASEAN vì lợi ích hai bên và của khu vực.
Bên cạnh đó, Việt Nam và Philippines đều có nhiều lĩnh vực có thể bổ trợ cho nhau dựa trên thế mạnh của từng nước.
Xuất khẩu sang Campuchia 10 tháng đầu năm 2020
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Campuchia trong 10 tháng đầu năm 2020 thu về 3,39 tỷ USD, giảm 6,88% so với cùng kỳ.
Có 8 mặt hàng xuất khẩu sang Campuchia đạt trị giá trăm triệu USD. Trong đó, sắt thép các loại là mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất 20,1% đạt 680,76 triệu USD, giảm 19,05% so với cùng kỳ. Kế đến là hàng dệt, may chiếm tỷ trọng 14,82% đạt 501,97 triệu USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ.
10 tháng đầu năm, kim ngạch giảm mạnh nhất 42,75% trong số mặt hàng trăm triệu USD là xăng dầu các loại đạt 204,79 triệu USD. Mặt hàng này cũng giảm tới 43,47% trong riêng tháng 10/2020 đạt 13,52 triệu USD.
Giảm mạnh nhất trong 27 mặt hàng xuất khẩu sang Campuchia 10 tháng đầu năm là thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh với 68,36%. Tuy nhiên mặt hàng này chiếm tỷ trọng rất nhỏ, chỉ với 0,05% đạt 1,54 triệu USD.
Đáng chú ý, hàng rau quả được Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này với mức tăng mạnh 59,18% trong tháng 10 đạt 786,93 nghìn USD và tăng 144,05% trong 10 tháng đạt 6,1 triệu USD.
Nguồn: asemconnectvietnam
Nếu bạn cần hỗ trợ về xuất nhập khẩu hàng hoá quốc tế thì có thể liên hệ team Smart Link chúng mình nhé, để được hướng dẫn tư vấn dịch vụ cũng như các thủ tục hải quan liên quan cần thiết.
Bình luận