Ưu tiên phát triển lĩnh vực logistics

Lĩnh vực logistics không chỉ ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô, mà còn tác động đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu vực, nhất là Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Phát triển logistics sẽ tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp cắt giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh.

 

Trung tâm phân loại hàng hóa khu vực phía bắc của sàn thương mại điện tử Lazada Express đặt tại Trung tâm Hateco Logistics (quận Long Biên) từ năm 2018. Với công suất xử lý 12 nghìn gói hàng/giờ, đây là nơi nhận hàng, đóng gói và thông qua hệ thống cảm biến, đọc mã code để cân đo tự động, phân tuyến hàng hóa về khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. Ðại diện Lazada Express cho biết: “Chúng tôi có hệ thống xe chuyên chở, hơn 70 cơ sở phát hàng trực tiếp trên cả nước, đồng thời, liên kết với các đơn vị khác để chuyển hàng đến tận tay người tiêu dùng cũng như hoàn trả và đổi hàng, tạo thành một chuỗi quay vòng. Với tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử nhanh như hiện nay, chúng tôi dự kiến sẽ đầu tư thêm dây chuyền phân loại và bổ sung thiết bị đóng gói tự động để đẩy nhanh công suất xử lý hàng hóa”.

Nhiều doanh nghiệp lớn như Công ty CP Dịch vụ hàng hóa hàng không Việt Nam (ACSV), Lazada Express, Shopee, DHL, Giao hàng nhanh, UPS, Trường Hải Auto, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VN Post)… đều đang sử dụng dịch vụ của Trung tâm Hateco Logistics. Với diện tích 120 nghìn m2, trung tâm logistics này cung cấp các dịch vụ liên quan cảng cạn, dịch vụ thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu, dịch vụ giao, nhận vận tải, dịch vụ kho bãi, dịch vụ phân phối, dịch vụ thông quan hàng chuyển phát nhanh, thương mại điện tử và bưu chính, dịch vụ vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới và các dịch vụ hậu cần logistics khác.

Trao đổi tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2020 vừa tổ chức tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nêu rõ, thành phố xác định logistics là một ngành kinh tế quan trọng, vừa góp phần trực tiếp tạo ra GRDP và việc làm, vừa gián tiếp thúc đẩy kinh tế thông qua nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp. Năm 2019, Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai các giải pháp nhằm mở rộng hệ thống logistics, giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn. Thành phố hiện có hai trung tâm logistics tại Khu công nghiệp Sài Ðồng B (quận Long Biên) và tại ga Yên Viên (huyện Gia Lâm). Ba dự án đầu tư xây dựng hạ tầng dịch vụ logistics đã được chấp thuận chủ trương đầu tư gồm: Cảng cạn ICD Cổ Bi, Cảng cạn ICD Ðức Thượng, Trung tâm khai thác vận chuyển khu vực phía bắc. Chín dự án đã được nhà đầu tư đề xuất và đang hoàn thiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư… Trong hội nghị “Hà Nội 2020: Hợp tác đầu tư và phát triển” tổ chức tháng 6 vừa qua, các dự án logistics tiếp tục được thành phố giới thiệu tới các nhà đầu tư để thu hút thêm nguồn lực cho lĩnh vực này.

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đánh giá, Hà Nội có vai trò cực kỳ quan trọng trong phát triển logistics. Thành phố đã rất chủ động quy hoạch đất đai cho ngành logistics. Bên cạnh mạng lưới giao thông thì còn có hệ thống kho hàng, bến bãi, cảng… bố trí tại nhiều khu vực. Tới đây, thành phố cần quan tâm hơn đến việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để giảm chi phí logistics và đơn giản hóa các thủ tục, giấy tờ trong lưu thông, xuất nhập khẩu hàng hóa. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: “Lãnh đạo TP Hà Nội và Bộ Công thương đã thống nhất chương trình hợp tác hành động, trong đó xác định rõ các dự án về logistics sẽ triển khai. Hai bên cũng sẽ làm việc với Bộ Giao thông vận tải để rà soát, định hướng liên kết giao thông tích hợp, thúc đẩy kết nối kinh tế của Hà Nội với các tỉnh, thành phố khác”.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Ðình Huệ, các doanh nghiệp logistics mới đáp ứng 25% nhu cầu của thành phố. Quy mô của các doanh nghiệp này còn nhỏ lẻ, sự kết nối còn rời rạc, cho nên chi phí logistics ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung còn cao, chưa đáp ứng yêu cầu về cạnh tranh. Ðể đạt mục tiêu năm 2025 trở thành trung tâm lớn về giao thương của cả nước và khu vực, thành phố đề ra nhiều giải pháp nhằm quy hoạch, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ, trong đó có hạ tầng logistics. Ðồng chí Vương Ðình Huệ yêu cầu, trước hết, cần tiếp tục nâng cao chất lượng quản lý hành chính công, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục xuyên biên giới. Tập trung đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại để cắt giảm chi phí logistics cho các doanh nghiệp. Ðồng thời, tăng cường thúc đẩy và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho ứng dụng công nghệ, có các chương trình, kế hoạch cụ thể để chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics. Xây dựng mạng lưới doanh nghiệp logistics gắn với thương mại điện tử…

Hà Nội cũng kiến nghị Chính phủ cho phép hình thức kinh doanh đại lý hải quan để chuyên nghiệp hóa dịch vụ thông quan, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Thành phố sẵn sàng phối hợp Bộ Công thương để đăng ký thử nghiệm mô hình này, từ đó tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng của ngành logistics Việt Nam.

Nguồn: nhandan.com

Nếu bạn cần hỗ trợ về xuất nhập khẩu hàng hoá quốc tế thì có thể liên hệ team Smart Link chúng mình nhé, để được hướng dẫn tư vấn dịch vụ cũng như các thủ tục hải quan liên quan cần thiết.

SMARTLINK VISION: BEST SERVICE, BEST YOU

 

Bình luận

partnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartner