Việt Nam sẽ đứng thứ 3 về xuất khẩu gạo toàn cầu trong năm 2022
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sau 2 năm liền đứng ở vị trí thứ hai về xuất khẩu gạo toàn cầu, Việt Nam sẽ đứng vị trí thứ 3 trong xuất khẩu gạo toàn cầu năm 2022 với lượng xuất khẩu 6,3 triệu tấn. Tuy nhiên các thương nhân cho hay đây là điều hoàn toàn dễ hiểu bởi Việt Nam đang thực hiện tái cơ cấu, chuyển dần từ lượng sang chất.
Trong báo cáo tháng 5/2021 của USDA về tình hình lúa gạo toàn cầu 2022 được công bố gần đây đã dự báo rằng sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2021-2022 sẽ đạt mức kỷ lục 505,4 triệu tấn (gạo xay xát), tăng 1,9 triệu tấn so với niên vụ 2020-2021. Và các nước chiếm phần lớn sự gia tăng sản lượng gạo gồm Bangladesh, Malaysia, Campuchia, Trung Quốc, Bờ Biển Ngà, Hàn Quốc, Paraguay, Đài Loan, Thái. Ngược lại, Colombia, Ecuador, Ấn Độ, Iraq, Madagascar, Philippines, Sri Lanka, Mỹ và Việt Nam dự báo sẽ đạt sản lượng thấp hơn trong niên vụ 2021-2022.
Đối với thương mại gạo toàn cầu trong năm dương lịch 2022, USDA dự báo đạt 46,4 triệu tấn (xay xát), tăng nhẹ 0,1 triệu tấn so với năm 2021, nhưng thấp hơn so với mức kỷ lục 48,4 triệu tấn trong năm 2017. Các nước xuất khẩu gạo dự kiến sẽ tăng là Australia, Myanmar, Campuchia, EU, Paraguay, Thái Lan và Uruguay. Ngược lại, xuất khẩu năm 2022 tại Ấn Độ, Mỹ và Việt Nam được dự báo sẽ giảm, trong đó Việt Nam – sau 2 năm liền đứng ở vị trí thứ hai về xuất khẩu gạo toàn cầu sẽ đứng vị trí thứ 3 trong xuất khẩu gạo toàn cầu năm 2022 với lượng xuất khẩu 6,3 triệu tấn (sau Ấn Độ và Thái Lan).
Trên thực tế, việc Việt Nam được dự báo đứng thứ 3 về khối lượng gạo xuất khẩu không quá bất ngờ. Bởi theo Đề án “Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030” cũng đã định rõ đến năm 2025 lượng gạo xuất khẩu khoảng 5 triệu tấn/năm. Như vậy có thể thấy rõ chiến lược của ngành gạo rõ ràng đang giảm dần từ lượng sang chất nhằm tập trung nâng cao giá trị và thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đáng chú ý, chủ trương này đang được các thương nhân xuất khẩu gạo hưởng ứng tích cực qua chuyển dần tỷ trọng các loại gạo trắng sang gạo thơm chất lượng cao, có giá trị tốt hơn, đồng thời tập trung vào những thị trường có nhu cầu cao hơn về gạo chất lượng cao như EU, Mỹ, Nhật Bản…
- Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thành – Giám đốc Công ty TNHH SX-TM Phước Thành IV- chia sẻ, qua nghiên cứu thị trường và hành vi tiêu dùng của khách hàng, doanh nghiệp này gần đây đã chuyển sang xuất khẩu các loại gạo thơm và gạo chất lượng cao. Theo ông Thành, so với các loại gạo trắng thông thường trước đây, giá gạo thơm cao hơn và có thị trường ổn định, không bị cạnh tranh nhiều. “Cùng với các thị trường truyền thống ở Châu Á, chúng tôi cũng đang nghiên cứu kỹ về thị trường EU để có sự chuẩn bị tốt trước khi đem sản phẩm xuất qua đây nhằm hưởng lợi từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)”- ông Thành cho biết.
- Tương tự, ông Phạm Thái Bình- Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho hay, từ đầu năm tới nay Trung An đã liên tiếp trúng thầu xuất khẩu gạo đi các nước Châu Á, EU. Gần đây nhất, trong tháng 4/2021 công ty đã 2 lần trúng thầu xuất gạo qua Hàn Quốc với sản lượng trên 30 ngàn tấn lứt hạt dài. Cũng theo ông Bình, gạo Trung An hiện có giá ở mức tương đối cao trên 578,5 USD/tấn (giá CIF) bởi doanh nghiệp đầu tư bài bản, đảm bảo chất lượng hạt gạo tốt nên đối tác tin tưởng và đánh giá cao.
Nguồn ST
Nếu bạn cần hỗ trợ về xuất nhập khẩu hàng hoá quốc tế thì có thể liên hệ team Smartlink chúng mình nhé, để được hướng dẫn tư vấn dịch vụ cũng như các thủ tục hải quan liên quan cần thiết.
SMART LINK: BEST SERVICE BEST YOU
Bình luận