ADB hỗ trợ phát triển vận tải và logistics khu vực duyên hải miền Trung
Sáng nay (9/12), Bộ GTVT phối hợp với ADB tổ chức Hội thảo tham vấn về nghiên cứu phát triển vận tải và logistics khu vực duyên hải miền Trung.
Tiềm năng phát triển trung tâm logistics cấp vùng
Phát biểu khai mạc hội thảo, thay mặt lãnh đạo Bộ GTVT, Cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Xuân Sang cho biết, thời gian qua Bộ GTVT đã phối hợp với các bộ, ngành triển khai đồng bộ các nhiệm vụ quan trọng nhằm phát triển dịch vụ vận tải, logistics và đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Riêng về logistics, chỉ số hoạt động logistics (LPI) 2018 của Việt Nam được xếp hạng 39/160 nước tham gia điều tra, tăng 25 bậc so với hạng 64/160 của năm 2016. Tất cả 6 tiêu chí đánh giá LPI đều tăng vượt bậc. Trong khu vực ASEAN, chỉ số LPI của Việt Nam xếp thứ 3 sau Singapore và Thái Lan.
Về chính sách quản lý nhà nước về dịch vụ vận tải và logistics, đã dần từng bước hoàn thiện, tạo được môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp như: Đẩy mạnh phát triển vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics; Chủ động hội nhập, hợp tác phát triển năng lực vận tải quốc tế, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu…
Ông Sang nhấn mạnh, đối với vùng duyên hải miền Trung, có vị trí chiến lược nằm giữa trục đường từ Bắc vào Nam, có tiềm năng trở thành trung tâm logistics cấp vùng, kết nối Hành lang kinh tế Bắc – Nam và Hành lang kinh tế Đông – Tây.
“Để cải thiện hiệu quả hoạt động logistics của vùng duyên hải miền Trung, điều cấp thiết là phải phát triển và cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông như đường bộ, đường sắt, cảng biển, sân bay, các cảng nội địa (ICD), các bến xe tải và trung tâm dịch vụ logistics. Đồng thời xây dựng những chính sách tạo thuận lợi cho kết nối các phương thức vận tải, vận tải qua biên giới…”, ông Sang nói.
Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cho rằng, vấn đề đặt ra đối với Việt Nam trong trung và dài hạn là làm thế nào để duy trì mức độ ngoại thương cao và làm thế nào để thu hút nguồn vốn FDI chất lượng cao để hỗ trợ các ưu tiên phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Trong bối cảnh này, việc phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ logistics hiệu quả vô cùng quan trọng để Việt Nam duy trì khả năng cạnh tranh thương mại và đầu tư. Chi phí logistics cao của Việt Nam, ở mức gần 20% GDP đang cộng thêm vào chi phí giao dịch của các sản phẩm và dịch vụ cuối cùng của Việt Nam. Do đó, Việt Nam cần ưu tiên phát triển logistics trong Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn tới 2021-2025.
Vùng duyên hải miền Trung của Việt Nam có vị trí chiến lược nằm ở ngã tư của các hành lang vận tải Bắc – Nam và Đông – Tây. Khu vực này sở hữu các cảng biển nước sâu, mạng lưới các sân bay mới và hệ thống đường sắt. Do đó, có nhiều tiềm năng trở thành trung tâm logistics cấp quốc gia và khu vực, kết nối Hành lang kinh tế Bắc – Nam, Hành lang kinh tế Đông – Tây của Việt Nam và Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS).
“Nghiên cứu do ADB hỗ trợ xác định các biện pháp phát triển và cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông và khuôn khổ thể chế nhằm khuyến khích các dịch vụ hậu cần hiệu quả, nhanh chóng và an toàn trong khu vực.”, ông nói.
Đề xuất đầu tư phát triển hạ tầng và hệ thống logistics khu vực
Tại hội thảo, ông Phạm Thanh Tùng, Tư vấn cao cấp ADB cho biết, “Nghiên cứu về Khung phát triển vận tải và logistics ở vùng duyên hải miền Trung, Việt Nam” (Nghiên cứu) được thực hiện nhằm đánh giá tình hình kết cấu hạ tầng GTVT và logistics, kế hoạch phát triển và các hoạt động cần triển khai tại khu vực miền Trung; Đồng thời, xem xét một cách thận trọng để tăng cường vận tải qua biên giới và vận tải đa phương thức tại khu vực miền Trung, xác định các dự án phát triển GTVT và logistics để ADB có thể hỗ trợ.
Phạm vi nghiên cứu là chuẩn bị khung phát triển logistics và danh mục ban đầu của các dự án tiềm năng về phát triển logistics, trong đó chú trọng tới nâng cấp hạ tầng, các khu vực cần nâng cao hoạt động dịch vụ logistics và các biện pháp phát triển mạng lưới logistics tích hợp phục vụ cho các tỉnh cũng như cho toàn bộ khu vực. Cùng đó là các biện pháp nhằm tăng cường dịch vụ giao thông vận tải và logistics tiết kiệm năng lượng; Các biện pháp nhằm nâng cao thuận lợi thương mại; Cải tiến các qui định và thể chế; Các mô hình sáng kiến về tài chính.
Trên cơ sở các kết quả khảo sát, nghiên cứu, Báo cáo cuối kỳ của Nghiên cứu đã kiến nghị các giải pháp chính để phát triển vận tải và logistics khu vực. Theo đó, nâng cao mạng lưới logistics với việc phát triển một cảng nước sâu quy mô lớn, bố trí hệ thống đa cảng biển và nhiều cổng ra vào; Tiến hành cải tạo và nâng cấp tuyến đường sắt Bắc – Nam hiện nay; Thúc đẩy việc phát triển cảng cạn, trung tâm logistics, các bãi xe tải và cơ sở logistics. Chuyển dịch phương thức vận tải từ đường bộ sang hàng hải và đường sắt; Cải thiện về các qui định và thể chế trong lĩnh vực này…
Báo cáo cũng đề xuất một số hoạt động cần thiết để cải thiện vận tải và logistics tại khu vực miền Trung. Trong đó, thúc đẩy việc chuyển đổi phương thức vận chuyển từ đường bộ sang vận tải bằng đường sắt và đường biển; Tiến hành sớm việc nâng cấp tuyến đường sắt hiện có, đặc biệt cần bố trí thêm các ga tránh và ga hàng hóa. Về hạ tầng cảng biển, do Cảng Đà Nẵng (Tiên Sa) sắp vượt ngưỡng năng lực cảng, vì vậy cần gấp rút phát triển thêm cảng container mới tại khu vực này.
Đồng thời, xây dựng đường cao tốc nối với các cảng biển nhằm thúc đẩy có hiệu quả vận tải tuyến hành lang Đông – Tây và hỗ trợ các nhà vận chuyển/chủ hàng chọn được cảng biển thuận tiện cho xuất nhập khẩu hàng hóa. Phát triển cảng cạn và trung tâm logistics gắn kết chặt chẽ với cảng biển, sân bay, hệ thống đường bộ cao tốc và đường sắt. Cần sớm đầu tư xây dựng ga hàng hóa cảng hàng không để phục vụ nhu cầu ngày càng gia tăng…
Nguồn: baogiaothong
Nếu bạn cần hỗ trợ về xuất nhập khẩu hàng hoá quốc tế thì có thể liên hệ team Smart Link chúng mình nhé, để được hướng dẫn tư vấn dịch vụ cũng như các thủ tục hải quan liên quan cần thiết.
Bình luận