Doanh nghiệp gỗ nội thất đơn hàng nhiều nhưng áp lực lớn
Kín đơn hàng đến quý III, thậm chí hết năm nhưng các doanh nghiệp gỗ nội thất chịu áp lực lớn về chi phí sản xuất, vận chuyển. Thông tin trên được ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA) cho biết sáng 29/3.
Bà Dương Thị Minh Tuệ, Giám đốc kinh doanh công ty Gỗ Minh Dương cũng cho hay, đơn hàng đi Mỹ, châu Âu của công ty đã kín đến hết quý III. “Chúng tôi đang tiếp nhận đơn hàng cho quý IV”, bà nói.
Tương tự, đơn hàng của Công ty Furnis cũng đã được đặt tới tháng 8. “Đơn hàng của chúng tôi hiện xuất đi Mỹ chiếm 60%, còn lại là cung ứng cho thị trường châu Âu và nội địa”, ông Nguyễn Văn Sang – Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Furnis thông tin.
Bà Tracy Trần, đại diện Mitchell Gold + Bob Williams, một nhà mua hàng cho các chuỗi bán lẻ nội thất tại Mỹ cũng cho biết, từ 2019, đơn vị bà dần chuyển dịch mua hàng từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia sang Việt Nam.
Ban đầu, nhà thu mua này có 4 nhà máy cung cấp từ Việt Nam, nay con số tăng lên 16. “Tỷ lệ mua hàng từ Việt Nam đã chiếm khoảng 70% tổng sản lượng mua hàng toàn thế giới của chúng tôi”, bà Tracy cho biết.
Tình hình khả quan trên đã giúp xuất khẩu quý I của ngành gỗ đạt kim ngạch 3,94 tỷ USD, tăng trưởng 3% so với cùng kỳ 2021. “Nếu xuất khẩu duy trì tốc độ 1,5 tỷ USD mỗi tháng, kế hoạch cả năm 16,5 tỷ USD có thể đạt được”, ông Phương nhận định.
Tuy nhiên, HAWA đánh giá ngành này vẫn đang đứng trước nhiều thách thức do Covid-19 còn phức tạp và biến động địa chính trị thế giới. Giá nguyên liệu đầu vào cao dù 70% nguyên liệu của ngành gỗ nội thất Việt Nam là nội địa. “Phần nguồn cung còn lại vẫn phải nhập từ châu Âu, Mỹ và Nam Mỹ nên áp lực giá đầu vào lớn”, ông Phương nói.
Hai chi phí khác là giá nhân công và logistics cũng tăng. Trong đó, giá logistics chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thậm chí còn leo thang do khủng hoảng Ukraine. Thông thường, giá trị một container nội thất bán FOB (giao hàng lên tàu) của Việt Nam xuất đi khoảng 10.000-15.000 USD.
Tuy nhiên, giá vận chuyển đã gần hoặc đôi khi cao hơn giá hàng. Một container đi châu Âu hiện dao động 6.000-8.000 USD, đi Mỹ tầm 10.000-12.000 USD. So với cách đây một năm, giá vận chuyển đã tăng khoảng 30%.
Các doanh nghiệp cho rằng, điều này ảnh hưởng đến chi phí nhà nhập khẩu khiến họ đắn đo hơn khi nhập hàng, làm hạn chế sức mua. Với những đơn đã đặt, một số nhà thu mua hoãn nhập, chờ có container rẻ hơn.
“Chi phí logistics đang tăng chóng mặt nên giá thành sản phẩm rất cao. Một số nhà sản xuất vì thế chậm xuất hàng”, bà Dương Thị Minh Tuệ, Giám đốc kinh doanh công ty Gỗ Minh Dương, Ủy viên Ban chấp hành Hawa, cho hay.
Riêng tại Gỗ Minh Dương, có nhà mua hàng phải tốn đến 25.000 USD để vận chuyển một container từ cảng Cát Lái đến bờ Đông của Mỹ. “Tính ra, mỗi cái ghế phải tốn thêm 40 USD nên người tiêu dùng không thể chấp nhận được”, bà Tuệ cho biết.
Bà Hồng Quang, Giám đốc công ty Việt S, xác nhận bài toán chi phí đang rất khó, từ nguyên vật liệu đầu vào đến nhân công. “Từ đầu năm nay, chúng tôi phải tăng lương 10-20% cho nhân viên. Chi phí nguyên vật liệu thì tăng 10-30%”, bà nói.
Để tháo gỡ, trước mắt HAWA sẽ cùng Cục xúc tiến thương mại và Sở Công Thương TP HCM tổ chức Tuần lễ giao thương nội thất Việt Nam từ 13 đến 20/4. Ban tổ chức kỳ vọng có 1.000 lượt kết nối giao thương B2B trực tuyến và trực tiếp với các thị trường lớn như Mỹ, EU, Anh, Hàn Quốc, Australia, ASEAN.
Về dài hạn, bà Tracy Trần khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam chủ động hơn khâu thiết kế, ra các bộ sưu tập riêng để chào mời các thương hiệu và nhà mua hàng vì hiện tại họ chủ yếu làm gia công OEM. Nếu có sẵn bộ sưu tập, tiến độ đơn hàng sẽ nhanh hơn, chỉ mất tầm 2-3 tháng sau khi tinh chỉnh lại cho phù hợp nhu cầu của khách. Trong khi đó, để thương hiệu thiết kế và giao mẫu OEM thì phải mất 4-5 tháng, thậm chí cả năm.
Ngoài ra, theo nhà mua hàng này, phân khúc gia công hàng nội thất cao cấp ở Việt Nam chưa có nhiều đơn vị sản xuất, so với phân khúc trung bình thấp. “Một số khách của chúng tôi có nhu cầu tìm nhà gia công phân khúc cao cấp rất lớn. Các nhà cung cấp cần hiểu hơn về khách hàng, đầu tư thêm mẫu mã để khách có thêm những lựa chọn”, bà Tracy Trần khuyến nghị.
Nguồn ST
Nếu bạn cần hỗ trợ về xuất nhập khẩu hàng hoá quốc tế thì có thể liên hệ team Smartlink chúng mình nhé, để được hướng dẫn tư vấn dịch vụ cũng như các thủ tục hải quan liên quan cần thiết.
SMART LINK: BEST SERVICE BEST YOU
Bình luận