Trước hết, năm 2021 là năm sẽ bầu ra Ban chấp hành Trung ương Đảng do đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam với những chỉ đạo mới. Đi liền theo đó là sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân với thành quả tốt đẹp và các chủ trương, Nghị quyết của Đại hội Đảng, thể hiện quyết tâm cao xây dựng và phát triển kinh tế xã hội, đất nước. 

 

Qua khảo sát, nghiên cứu, nhiều tổ chức kinh tế và truyền thông thế giới đều dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh trong năm mới 2021. Theo dự báo của Ngân hàng thế giới (WB), kinh tế Việt Nam năm 2021 sẽ tăng trưởng vào bậc nhất thế giới, còn Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) dự đoán GDP năm 2021 của Việt Nam là 2,8%. Các tổ chức kinh tế thế giới cũng dự báo tín dụng Việt Nam sẽ tăng trưởng 12% trong khi họ lại dự báo kinh tế thế giới sẽ suy giảm 4% do phải chịu tiếp tác hại của dịch covid – 19, thương mại toàn cầu ảm đạm, giá cả hàng hóa phức tạp, công nghiệp chế tạo tăng chậm lại. Nhờ kiểm soát chặt chẽ đại dịch, Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định.

 

Cũng theo các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, thành công lớn nhất của Việt Nam trong mấy năm vừa qua là ngăn, dập dịch Covid-19 tốt để hồi phục kinh tế, nhờ vậy nền kinh tế Việt Nam sang năm mới sẽ có những triển vọng đáng lạc quan. Ngành nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trong nước phát triển khá nhanh, thành quả lớn. Xuất khẩu nông sản đặc biệt là gạo, thủy sản đồ gỗ nội thất tăng trưởng mạnh. Trong khi đó, kinh tế triển vọng thu hút FDI của Việt Nam trong năm tới là rất  lớn, không chỉ các nhà đầu tư lớn cỡ “đại bàng” mở rộng đầu tư vào Việt Nam mà cả các nhà đầu tư vừa và nhỏ cũng tìm đến. Nói chung là các ngành nghề kinh tế của Việt Nam đều có quyết tâm cao trong năm mới. Nông nghiệp đang xây dựng nền kinh tế văn minh, số hóa nông nghiệp đang là hướng đi chiến lược, phong phú, bao gồm tận dụng một lượng lớn dữ liệu từ thiết bị nông nghiệp, đất, thời tiết, hạt giống, hóa chất, sử dụng khoa học máy tính hiện đại để điều khiển tự động hóa canh tác, truy xuất nguồn gốc nông sản, đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông sản theo yêu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Công tác tái thiết, khắc phục hậu quả thiên tai đang được các bộ, ngành các doanh nghiệp và nhân dân cả nước chung tay cùng với miền Trung tiến hành tốt, tận dụng khai thác, sử dụng sự hỗ trợ quốc tế.

 

Ngành giao thông vận tải cùng với các doanh nghiệp của nhiều ngành nghề đang cùng nhau giải bài toán khó về logistics, tạo sức bật mới để đáp ứng các nhu cầu vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu cho sản xuất kinh doanh. Theo các chuyên gia kinh tế, hạ tầng logistics của Việt Nam đã được hình thành và có khả năng đáp ứng nhu cầu vận chuyển và luân chuyển hàng hóa với khối lượng lớn. Nhưng do thiếu chính sách định hướng nên xảy ra tình trạng mạnh ai nấy làm nên cần xây dựng và hoàn thiện một quy hoạch tổng thể đồng bộ về hạ tầng logistics, sẽ là mắt xích quan trọng để tạo ra sự đột phá cho ngành logistics phát triển bền vững.

 

Các doanh nghiệp trong nước đang nỗ lực xây dựng quỹ đất để phát triển xây dựng nhà kho ở những vị trí thuận lợi có kết nối hạ tầng tốt, thuận lợi đi vào các thành phố trung tâm, cảng biển. Nhiều chuyên gia kinh tế và người đứng đầu các doanh nghiệp logistics nhận định rằng: Trung tâm logistics là yếu tố quan trọng trong hệ thống cơ sở hạ tầng logistics nhất là kết nối giữa cảng biển, cảng hàng không, các cửa khẩu quốc tế với vùng hàng hóa. Một trung tâm logistics bình thường sẽ có những chức năng: vận chuyển hàng hóa, lưu trữ hàng hóa, lưu kho, lưu bãi, xử lý hàng hóa bao gồm dán tem, dán nhãn, chia tách, gom hàng làm thủ tục hải quan. Trung tâm logistics có vai trò giúp cho nhà xuất khẩu và những chủ hàng nội địa có thể luân chuyển hàng hóa một cách hiệu quả với giá thành thấp. Việc phát triển các trung tâm logistics quy mô lớn sẽ giúp cắt giảm chi phí logistics. Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1012/QĐ-TTg năm 2015 về việc phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 gồm các trung tâm hạng I hạng II và chuyên dùng cho toàn quốc. Để phát triển các trung tâm logistics cần có sự hỗ trợ về thể chế ở mức độ cao nhất. Phạm vi hoạt động logistics rất rộng bao hàm tất cả các lĩnh vực nên việc phân mảng trong quản lý nhà nước về logistics hiện nay còn nhiều bất cập. Do đó cần thành lập ủy ban quốc gia chỉ đạo việc phát triển logistics trực tiếp lãnh đạo bởi lãnh đạo Chính phủ. Kinh nghiệm của các nước hoạt động hiệu quả ngành logistics là họ thành lập ủy ban chỉ đạo phát triển logistics gồm các thành viên là các bộ ngành và các nhà phát triển logistics. Việc phát triển các trung tâm logistics đòi hỏi thời gian xây dựng lâu dài và đầu tư lớn. Vì vậy, Chính phủ cần có các chính sách để kêu gọi và hỗ trợ đầu tư trung tâm logistics như ưu đãi thuế, bảo lãnh khoản vay, bảo hiểm tín dụng, tài trợ lãi suất thấp, quy hoạch các trung tâm logistics cần đồng bộ, gắn với quy hoạch chung và các mục tiêu phát triển của địa phương, khu vực, vùng miền quốc gia…

 

Thực tế, kinh tế-xã hội trong những ngày chuyển tiếp từ năm cũ sang năm mới đang cho thấy tinh thần chung, mong mỏi chung và quyết tâm cao của mọi ngành nghề kinh tế và các tầng lớp nhân dân là cùng nhau xây dựng nhanh, mạnh và bền vững quốc gia Việt Nam cường thịnh. Tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần 2 năm 2020 diễn ra ngày 23 tháng 12, trong bài phát biểu trước Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Chúng ta đã nghe nhiều, kể nhiều chuyện nước ngoài cho người Việt Nam nghe. Có lẽ đã đến lúc kể câu chuyện Việt Nam, Make in VietNam, theo đó mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp Việt Nam hãy Make in VietNam và kể câu chuyện Việt Nam của mình để gây cảm hứng, tự hào và khích lệ người Việt có thể làm được.

 

Năm 2021 hứa hẹn là một năm phát triển mạnh mẽ doanh nghiêp công nghệ số của Việt Nam, một năm với rất nhiều sản phẩm Make in VietNam để giải quyết vấn đề Việt Nam, giúp Việt Nam phát triển và để đi ra nước ngoài, chinh phục thế giới, đóng góp cho sự phát triển của nhân loại. Make in VietNam để làm chủ công nghệ, để bảo vệ Việt Nam, để Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Nguồn: thanhtravietnam

Nếu bạn cần hỗ trợ về xuất nhập khẩu hàng hoá quốc tế thì có thể liên hệ team Smart Link chúng mình nhé, để được hướng dẫn tư vấn dịch vụ cũng như các thủ tục hải quan liên quan cần thiết.

SMARTLINK VISION: BEST SERVICE, BEST YOU