Nhiều DN Nhật Bản mong muốn mở rộng đầu tư: Đâu là cơ hội cho DN logistics VN?
Nhiều cơ hội cho các DN logistics Việt Nam từ xu hướng gia tăng đầu tư quốc tế tại Việt Nam
Những chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ Việt Nam cũng tạo thuận lợi để nhà đầu tư, doanh nghiệp quốc tế tìm kiếm cơ hội tham gia thị trường Việt Nam ở đa dạng lĩnh vực, ngành nghề, trong đó có cộng đồng các doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư Nhật Bản.
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/12/2021, Nhật Bản đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,9 tỷ USD, chiếm 12,5% tổng vốn đầu tư, tăng 64,6% so với cùng kỳ năm 2020. Còn tính trong 11 tháng năm 2021, dòng vốn đầu tư nước ngoài từ nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam tăng 54% so với cùng kỳ năm 2020, chủ yếu là vốn đầu tư mới.
Nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư vào khoảng 19 ngành nghề, lĩnh vực tại Việt Nam; trong đó, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; bất động sản; sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hoà; bán buôn, bán lẻ và sửa chữa ôtô, xe máy… Hiện tại, 57 tỉnh, thành trên cả nước đã thu hút được vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ Nhật Bản. Đặc biệt, dòng vốn FDI của Nhật Bản tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố như: Thanh Hoá, Hà Nội, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng…
Kết quả khảo sát thực trạng của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm 2021 do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại Tp. Hồ Chí Minh vừa công bố cho thấy, các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn mong muốn phát triển lâu dài ở đây và đánh giá triển vọng tăng trưởng về thị trường Việt Nam rất khả quan. Cụ thể, có 56,2% doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá triển vọng lợi nhuận kinh doanh sẽ được “cải thiện” khi bước sang năm 2022 và 55,3% doanh nghiệp mong muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam.
Nguồn: JETRO Việt Nam (2022)
Theo ông Shinji Hirai, Trưởng đại diện Jetro tại Thành phố Hồ Chí Minh, cơ sở để doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam lạc quan trong dự báo lợi nhuận kinh doanh năm 2022 là việc tiếp tục mở rộng xuất khẩu, quy mô tăng trưởng doanh thu của thị trường nội địa hấp dẫn. Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 cũng làm thay đổi cấu trúc hoạt động của doanh nghiệp, tín hiệu mừng là Việt Nam đang chuyển sang sản xuất những mặt hàng giá trị gia tăng cao hơn, đây là lúc phải xem lại chuỗi cung ứng.
Dự báo dòng vốn Nhật Bản vào Việt Nam trong năm 2022 sẽ được bổ sung từ các nhà đầu tư hiện hữu đang có mặt ở Việt Nam; đồng thời, dòng vốn mới phụ thuộc rất nhiều vào việc mở cửa đi lại giữa hai quốc gia, trong đó kết nối lại các đường bay quốc tế.
Quá trình mở rộng hoạt động kinh doanh, đầu tư của các DN Nhật Bản tại thị trường Việt Nam sẽ thúc đẩy nhu cầu về dịch vụ logistics, từ dịch vụ logistics cho nhà xưởng, kho bãi đến dịch vụ vận chuyển, ga, cảng biển, cảng hàng không. Các chuỗi cung ứng lạnh, chuỗi cung ứng cho hàng hóa đặc biệt như hóa chất, khí lỏng, thực phẩm, dược phẩm…đều sẽ chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về nhu cầu.
Cơ hội như trái táo trên cây, biết hái xuống mới thưởng thức được vị ngọt
Các cơ hội ngày càng trở nên rõ ràng, nhưng cơ hội như những trái táo đỏ mọng trên cây, biết hái xuống mới thưởng thức được vị ngọt. Trên thị trường đầy tính cạnh tranh hiện nay, luôn có các DN logistics nước ngoài sẵn sàng hái những trái táo đó xuống. Như chúng ta đã biết, các DN Nhật Bản luôn có yêu cầu rất cao về tính chuyên nghiệp, kỷ luật và chất lượng của dịch vụ. Do đó, đến nay phần nhiều trong số họ vẫn sử dụng dịch vụ logistics của các đối tác tin cậy từ Nhật Bản hoặc các công ty đa quốc gia có danh mục dịch vụ chuyên nghiệp. Các DN Việt Nam muốn trở thành đối tác của họ phải vượt qua quá trình đánh giá, thẩm định, thậm chí là quá trình tuyển chọn phức tạp như một cuộc thi. Ngay cả khi đã được lựa chọn, DN Việt cũng cần có thời gian để tạo lập sự tin tưởng của đối tác Nhật Bản. Tuy nhiên, một khi đã chứng minh được uy tính và sự tin cậy thì có thể kí được các hợp đồng cung cấp dịch vụ lâu dài với điều kiện tài chính thuận lợi.
Triết lý trên có vẻ đơn giản, nhưng phải khởi đầu thế nào? Đây là câu hỏi của nhiều DN mới bắt đầu!
Theo khuyến nghị của các chuyên gia, các DN có thể tận dụng các chương trình hợp tác của hai nước để từng bước tiếp cận và có được cơ hội giới thiệu năng lực, thu hút sự chú ý và cung cấp dịch vụ thử cho các đối tác Nhật Bản. Tôn chỉ của sự hợp tác là các bên đều có lợi dựa trên đóng góp từ chính thế mạnh của mình. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản có thể mang đến những kinh nghiệm trong các dự án và thương mại quốc tế, còn doanh nghiệp tại Việt Nam chia sẻ thông tin thị trường nội địa để tiến đến sự hợp tác chiến lược lâu dài.
Năm 2022, đại dịch COVID-19 còn tiếp tục diễn biến phức tạp, chuỗi cung ứng hàng hóa trên thế giới và tại Việt Nam vẫn biến động khó lường. Do đó các DN logistics Việt Nam với kinh nghiệm, sự hiểu biết và linh hoạt tại thị trường nội địa có thể sử dụng các lợi thế này trong quá trình hợp tác với các DN Nhật Bản.
Biết tận dụng công nghệ để đổi mới và chứng minh năng lực đổi mới, thích nghi của mình cũng là một điểm cộng. Trong bối cảnh dịch bệnh, cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản không có điều kiện làm việc trực tiếp, đi khảo sát kho hàng, nhà xưởng của đối tác Việt Nam như thời điểm bình thường nhưng thay vào đó các DN Việt Nam có thể khai thác kênh online để marketing, tiếp cận đối tác Nhật Bản, tổ chức thăm quan kho hàng, đội xe…bằng công nghệ thực tế ảo (AR), từ đó tiến tới thương thảo, tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh xuyên biên giới thông qua thương mại điện tử và môi trường CNTT ngày càng hoàn thiện tại Việt Nam.
Nguồn ST
Nếu bạn cần hỗ trợ về xuất nhập khẩu hàng hoá quốc tế thì có thể liên hệ team Smartlink Logistics chúng mình nhé, để được hướng dẫn tư vấn dịch vụ cũng như các thủ tục hải quan liên quan cần thiết.
SMART LINK: BEST SERVICE BEST YOU
Bình luận