Sớm ban hành biểu thuế thực hiện EVFTA

Ông Hà Duy Tùng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) cho biết, Nghị định về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) giai đoạn 2020 – 2022 được xây dựng theo thủ tục rút gọn, sớm trình Chính phủ thông qua để kịp có hiệu lực cùng với EVFTA từ ngày 1/8/2020.

Có thể nói, EVFTA là hiệp định thương mại tự do (FTA) được cộng đồng doanh nghiệp trông đợi nhất trong tổng số 13 hiệp định Việt Nam tham gia hoặc ký kết. Vì sao vậy, thưa ông?

Cùng với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), EVFTA là FTA thế hệ mới được Việt Nam ký kết. Hiệp định này được coi là đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế, nhất là trong giai đoạn kinh tế thế giới rơi vào suy thoái trầm trọng, kinh tế nước ta cũng bị suy giảm tốc độ tăng trưởng do Covid-19.

EVFTA sẽ mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường đầy tiềm năng với 508 triệu dân. EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam, nên mở rộng cánh cửa vào thị trường có quy mô GDP khoảng 18.000 tỷ USD mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu thủy sản, dệt may, giày dép, nông sản nhiệt đới…

Không giống các FTA khác, EVFTA cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu rất mạnh, với lộ trình rất nhanh và gần như có hiệu lực ngay sau khi 2 bên hoàn tất các thủ tục pháp lý. Đặc biệt, dù Việt Nam đã tham gia, ký kết tổng cộng 13 FTA, nhưng chỉ có EVFTA, CPTPP mới cam kết cắt giảm thuế xuất khẩu, các FTA khác chỉ cam kết tham gia cắt giảm thuế nhập khẩu.

Vì vậy, để EVFTA có thể thực hiện được ngay khi có hiệu lực, Bộ Tài chính đã khẩn trương hoàn thiện Nghị định về Biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi áp dụng cho giai đoạn 2020-2022 và điều kiện được hưởng thuế xuất nhập khẩu đặc biệt ưu đãi theo thủ tục rút gọn để trình Chính phủ thông qua trong thời gian sớm nhất.

Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi EVFTA có hiệu lực 48,5% dòng thuế, tương đương 64,5% kim ngạch nhập khẩu từ EU. Ông có thể nói rõ hơn?

Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam thực hiện EVFTA được ban hành kèm theo Nghị định. Căn cứ biểu thuế này (Phụ lục II), doanh nghiệp biết cụ thể mặt hàng nào nhập khẩu từ EU phải chịu thuế bao nhiêu ngay khi Hiệp định có hiệu lực và sẽ cắt giảm còn bao nhiêu vào năm 2021 và 2022. Nhìn vào biểu thuế này, doanh nghiệp sẽ thấy mức độ cắt giảm thuế rất nhanh để từ đó đặt ra kế hoạch kinh doanh, cơ cấu lại hoạt động sản xuất nhằm tận dụng tối đa cơ hội.

Cụ thể, Biểu thuế nhập khẩu đặc biệt ưu đãi quy định mã hàng, mô tả hàng hóa, thuế suất áp dụng với 10.857 dòng thuế với mức thuế suất trung bình năm 2020 là 9,26%; năm 2021 là 7,73% và năm 2022 là 6,2%.

Về tổng thể, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi EVFTA có hiệu lực với tổng số 48,5% dòng thuế, tương đương 64,5% kim ngạch hàng hóa nhập khẩu từ EU. Sau 10 năm, số dòng thuế được xóa bỏ thuế quan là 99% với 99,8% kim ngạch nhập khẩu từ EU. Đối với số dòng thuế còn lại, Việt Nam có lộ trình cắt giảm trên 10 năm hoặc dành ưu đãi cho EU trên cơ sở hạn ngạch thuế quan của WTO.

Ô tô, xe máy, linh kiện phụ tùng là mặt hàng được người tiêu dùng đặc biệt quan tâm. Thưa ông, các mặt hàng này được cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu từ EU thế nào?

Các mặt hàng này được quy định cụ thể, chi tiết trong Biểu thuế nhập khẩu với mức cắt giảm thuế quan rất mạnh trong 3 năm đầu kể từ khi EVFTA có hiệu lực. Với mặt hàng ô tô và các loại xe khác có động cơ được thiết kế chủ yếu để chở người, kể cả ô tô chở người có khoang hành lý chung, ô tô đua (thuộc nhóm 87.03), thuế nhập khẩu từ ngày 1/8/2020 phổ biến là 70,9%, sẽ còn 63,8%, 56,7% vào năm 2021 và 2022.

Hay mặt hàng mô tô, kể cả xe gắn máy có bàn đạp và xe đạp có gắn động cơ phụ trợ, có hoặc không có thùng xe bên cạnh (thuộc nhóm 87.11) có mức thuế nhập khẩu phổ biến kể từ khi EVFTA có hiệu lực là 68,1% và cắt giảm theo lộ trình xuống còn 61,3% và 54,5% vào năm 2021 và 2022.

Ngoài CPTPP, EVFTA là hiệp định thứ hai Việt Nam cam kết cắt giảm cả thuế xuất khẩu. Mức cam kết cắt giảm cụ thể thế nào?

Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi thực hiện EVFTA quy định cụ thể, chi tiết tới từng mã hàng, mô tả hàng hóa và thuế suất cụ thể áp dụng kể từ khi Hiệp định có hiệu lực và năm 2021, năm 2022 đối với 526 dòng thuế. Các mặt hàng còn lại không được quy định sẽ cắt giảm ngay kể từ ngày 1/8/2020.

Về tổng thể, thuế xuất khẩu ưu đãi trung bình năm 2020 là 9,32% và chỉ giảm nhẹ xuống 9,01% và 8,71% vào 2 năm tới. Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu với lộ trình tương đối dài, lên tới 15 năm, thậm chí được bảo lưu thuế xuất khẩu với một số nhóm hàng quan trọng có kim ngạch xuất khẩu lớn như dầu thô, than đá…

Khác với nhập khẩu, hải quan kiểm soát được xuất xứ hàng hóa, với xuất khẩu thì rất khó kiểm soát khi hàng hóa đã ra khỏi cửa khẩu. Làm thế nào để tránh được tình trạng lợi dụng giảm thuế xuất khẩu vào EU để xuất khẩu vào thị trường khác?

Để tránh tình trạng lợi dụng, Nghị định sẽ quy định chặt chẽ điều kiện để được hưởng ưu đãi thuế xuất khẩu vào EU là doanh nghiệp phải có chứng từ vận tải (bản sao) thể hiện đích đến là thành viên EU; có tờ khai hải quan nhập khẩu của lô hàng xuất khẩu có xuất xứ Việt Nam nhập khẩu vào thành viên EU.

Khi làm thủ tục hải quan, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan như xuất khẩu vào các thị trường khác, và trong thời gian một năm kể từ ngày đăng ký tờ khai xuất khẩu, doanh nghiệp phải nộp đầy đủ chứng từ chứng minh hàng hóa thỏa mãn điều kiện để được hưởng thuế xuất khẩu ưu đãi theo EVFTA. Cơ quan hải quan sẽ kiểm tra hồ sơ, nếu hàng hóa xuất khẩu đáp ứng đủ các điều kiện mới được áp dụng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi theo EVFTA.

Nguồn baodautu

SMARTLINK VISION: BEST SERVICE, BEST YOU

Bình luận

partnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartnerpartner